11 thg 4, 2014

Ý nghĩa biến cố ĐGH Gioan Phaolô II Thoát Chết

Ngày 27.4.2014 tới đây, chân phúc giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong thánh cùng với chân phúc giáo hoàng Gioan XXIII. Cuộc đời ĐGH Gioan Phaolô II ghi đậm nét với biến cố ám sát ngài ngày 13.5.1981 tại Rôma. Nhưng Đức Mẹ Maria đã cứu ngài thoát chết. Truyện này có liên hệ tới bí mật thứ ba tại Fatima. Sứ điệp này vẫn thời sự: cầu nguyện và sám hối tội lỗi, nhất là trong Mùa Chay thánh này. Đặc biệt, lời cầu nguyện, nhất là với Kinh Kính Mừng, có thể tạo nên sự thay đổi trong dòng chảy lịch sử của cả nhân loại, cũng như mỗi cá nhân. Đúng ra, theo lời tiên tri, ĐGH Gioan Phaolô II sẽ chết trong cuộc ám sát, nhưng nhờ lời cầu nguyện của cá nhân ĐGH và cả Hội Thánh, Đức Mẹ đã cứu thoát ĐGH. Lịch sử đã được sửa lại nhờ lời cầu nguyện như thế đó! Vậy, tại sao còn nhiều người chưa cầu nguyện?

ĐGH Bênêđictô kể lại bí mật thứ ba tại Fatima như sau:

Đó là một thị kiến của chị Lucia, một trong ba trẻ mục đồng được thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1971, tại Fatima, Bồ Đào Nha. Thị kiến cho thấy con đường gian nan của một giám mục bận áo trắng (mà chính ba trẻ nhận ra là Đức Giám Mục Rôma) đang khó nhọc leo lên một ngọn núi có dựng một cây thánh giá; con đường dẫn xuyên qua một thành phố đổ nát. Các giám mục, linh mục, giáo dân và cuối cùng cả Đức Giáo Hoàng cũng bị giết. Nhưng máu của các nạn nhân được thiên thần hứng lấy, và máu đó đã làm cho thế giới sinh hoa kết quả. Ta có thể xem đó là hình ảnh tượng trưng cho Hội Thánh tử đạo trong thế kỷ 20. Đọc qua toàn bộ bí mật, ta thấy rõ tâm điểm của sứ điệp là lời kêu gọi sám hối, đồng thời sứ điệp cũng nói lên sự tự do của lịch sử, nghĩa là lịch sử không hoàn toàn bất biến như thể tiền định, mà nó có thể thay đổi đường đi nhờ vào việc sám hối.

Toàn bộ bí mật là lời tha thiết kêu gọi con người sử dụng tự do của mình để thay đổi đời sống mình, và nhờ đó có thể sửa đổi lại vận hội của thế giới; nội dung bản văn cũng giống như sách Khải Huyền. Sự kiện ĐGH thoát chết có thể được hiểu như là một dấu chỉ cho thấy lịch sử có thể diễn tiến khác đi nhờ lời cầu nguyện.

(Thiên Chúa và Trần Thế của ĐGH Bênêđictô, Phạm Hồng Lam dịch)

LM. JM. Hà Ngọc Phú CSsR

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Thêm lời bình để góp ý cho blog ngày càng hoàn thiện hơn!